Cà phê lạnh – Cold Brew là gì? Đây chính xác hơn là cà phê được ủ lạnh. Nó không hẳn để nói về một cách thưởng thức cà phê hoàn toàn mới, khi mà nhiều quốc gia đã có các phiên bản cà phê lạnh theo cách riêng như cà phê đá ở Việt Nam, Ấn Độ hay Thái Lan. Tuy nhiên, đa phần các phương pháp này đều chỉ sử dụng cà phê nóng sau đó cho thêm đá viên vào để làm lạnh.
Bài viết hôm nay, Minh Tiến Coffee sẽ chia sẻ cho bạn đọc về việc pha và thưởng thức cà phê hoàn toàn bằng nước lạnh!
Cold brew coffee là gì? Tại sao chúng lại trở thành xu hướng cà phê hiện đại?
Mục Lục
Cold Brew là gì?
Nếu là người sành cà phê, tín đồ yêu thích thưởng thức các loại cà phê, chắc chắc các bạn sẽ nhận ra được sự khác biệt rất lớn giữa Cold Brew Coffee (cà phê pha lạnh) và cà phê pha nóng (Hot Brew coffee). Tuy nhiên, với những người không sành cà phê lắm hoặc những người mới tìm hiểu về loại thức uống đầy quyến rũ này sẽ không khỏi tự hỏi: Cafe Cold Brew là gì? Chúng khác với những loại cà phê khác như thế nào mà khiến nhiều người ưa thích đến vậy?
Cold Brew Coffee bản chất của nó cũng được phát triển từ nguyên liệu là cà phê, tuy nhiên, cách pha Cold Brew mới là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt của loại đồ uống này. Nhiều người nghĩ rằng Cà phê Cold Brew chỉ là bỏ thêm đá, nhưng thực chất thì không phải vậy.
Cách làm Cold Brew hay còn gọi là cách pha cà phê lạnh, thường sử dụng nước ở nhiệt độ phòng hoặc nước lạnh, “hãm” cà phê trong khoảng thời gian nhất định (thường khoảng 12 tiếng, có khi lên đến 24 tiếng). Làm như vậy sẽ tạo ra hương vị mượt mà và ngọt ngào hơn, nó sẽ ít có vị chua hơn so với cách pha cà phê nóng.
So sánh Cold Brew với cà phê nóng, những người am hiểu về cà phê thường thích dùng Cold Brew coffee hơn bởi hương thơm của nó không quá nồng, thay vào đó là mùi hương nhẹ nhàng, thoang thoảng. Thêm vào đó, do Cold Brew được hãm từ từ bằng nước lạnh, nên nó cũng “tươi” và sử dụng được lâu hơn, nếu bảo quản trong tủ lạnh có thể để được từ 2 đến 4 tuần, trong khi đó, cà phê nóng thường chỉ để được trong 1 ngày.
Bởi cách pha cà phê Cold Brew mất nhiều thời gian và cầu kỳ, nên chúng thường có giá cả đắt hơn so với các loại cà phê pha nóng. Tuy nhiên, về hương vị của chúng có thể khiến thực khách hài lòng, kể cả những vị khách khó tính nhất. Một trong những loại cà phê Cold Brew được ưa chuộng nhất hiện nay là Cold Brew Starbucks, đây là sản phẩm của thương hiệu cà phê “đắt giá nhất hành tinh”.
Cold Brew Starbucks – một sản phẩm đến từ thương hiệu cà phê “đắt giá nhất hành tinh” rất được mọi người ưa chuộng
Cold Brew – Cà phê lạnh từ nguồn gốc đến ý nghĩa
Trong All About Coffee (William Harrison Ukers) có những mô tả sớm nhất về cà phê lạnh, chúng được ghi chép từ những năm 1922. Cụ thể, kỹ thuật này được nhắc đến qua việc xay thật mịn cà phê, cho chúng vào bình lọc và đổ nước lạnh đều đặn, cho đến khi lượng cà phê kia hoàn toàn bão hòa. Cuối cùng thu được kết quả là một chiết xuất rất đậm…
Nhiều người nghĩ rằng, cách thức pha chế cà phê này có vẻ như được bắt đầu tư Hoa Kỳ, hay ở một nơi nào đó ở Châu Mỹ (vì thường thì các làn sóng cà phê thường bắt đầu ở trung tâm nước Mỹ sau đó mới lan ra toàn thế giới). Tuy nhiên, Nhật Bản mới là quốc gia ghi dấu cột mốc đầu tiên ghi nhận về sự phổ biến của Cold Brew.
Không phải Hoa Kỳ hay một khu vực nào đó ở Châu Mỹ, Nhật Bản mới là nơi ghi dấu cột mốc đầu tiên về sự phổ biến của cà phê lạnh – Cold Brew
Khởi đầu cà phê lạnh – Kyoto – Style Brew Coffee
Một cách nói khác để chỉ sự phổ biến của cách thức pha chế cà phê lạnh tại Nhật Bản là Kyoto – Style.
Từ những năm 1600 (có thể sớm hơn), người Nhật Bản đã biến đến và áp dụng kỹ thuật pha chế cà phê lạnh từ các thương nhân người Hà Lan, vì đây là cách an toàn nhất để có thể thưởng thức được cà phê trêu tàu đi biển trong các chuyến hải trình xuyên đại dương với thời gian dài. Sau nhiều thế kỷ, Kyoto – kỹ thuật pha cà phê lạnh này đã trở nên rất nghệ thuật. Thay vì như trước, để cà phê ngập nhiều giờ trong nước, quá trình chiết xuất được thực hiện bằng cách nhỏ giọt (một giọt nước duy nhất được cho vào lớp cà phê – một giọt khác sẽ được chiết ra). Sau đó không lâu, những dụng cụ chiết xuất hình dạng tháp cao được đưa vào sử dụng và đã trở thành biểu tượng cho Kyoto – Style Brew Coffee.
Cold Brew được chiết xuất từ những dụng cụ chiết xuất hình dạng tháp cao. Đây là biểu tượng của Kyoto – Style Cold Brew Coffee
Cà phê lạnh kiểu Mỹ – Toddy Cold Brew
Mặc dù người Nhật đã tinh tế hóa sự trải nghiệm cà phê lạnh, song để cà phê lạnh được biết đến rộng rãi trên toàn cầu như ngày hôm nay thì phải nhắc đến sự khởi đầu của cà phê lạnh trên đất Mỹ. Trong những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70, khi lượng tiêu thụ cà phê bột ở Mỹ đã bị giảm. Ngành công nghiệp cà phê phải nhường thị phần cho các loại nước giải khát thì cà phê dần được nhận thức là một sản phẩm già cỗi, không còn phù hợp cho giới trẻ. Mặt khác, mối quan tâm của mọi người dần hướng về các loại đồ uống lành mạnh, không có chứa chất kích thích…
Theo nghiên cứu, trong thời gian này, ngành cà phê truyền thống còn phải nhường chỗ cho cà phê hòa tan. Hơn nữa, nhiều nhà sản xuất cà phê đã sử dụng thêm nhiều chất làm ngọt và chất làm dày hơn, điều này đồng nghĩa là có ít cà phê hơn. Sản phẩm từ các thương hiệu cà phê lớn dần không thể phân biệt chúng với nhau, vì mỗi hãng đều cố gắng hạ giá thành rẻ hơn đối thủ cạnh tranh. Cùng lúc đó, cà phê lạnh – Cold Brew ra đời (hay cà phê ủ lạnh thông qua Toddy Maker). Đây là giải pháp thích hợp để đối phó với cà phê chất lượng thấp thời bấy giờ.
Cụ thể, vào năm 1964, Todd Simpson lấy cảm hứng từ cà phê lạnh tại Peru đã tìm cách tạo nên phương pháp của riêng mình và được cấp bằng sáng chế cho bộ pha cà phê lạnh. Bộ dụng cụ sử dụng phễu lọc và nước lạnh của ông đã giúp chiết xuất ít hơn 67% hàm lượng axit tự nhiên so với cà phê nóng.
Giải pháp này của Toddy đã cho phép người dùng ngâm bột cà phê giá rẻ trong tủ lạnh qua đêm cùng với bộ lọc dày, cho phép hạn chế các loại axit gây chi phối hương vị của cà phê trong cách pha chế thông thường. Vì cà phê được ngâm trong vài giờ nên thành quả thu được là khá nhiều các hương vị độc đáo. Điều này làm cho cà phê trở nên ngon miệng hơn. Đổi lại, nó không còn mùi thơm đặc trưng của cà phê được pha với nước nóng. Tuy nhiên, đây cũng không phải mất mát gì vì cà phê giá rẻ mua ở các tiệm tạp hóa thường cũ và mất mùi thơm từ lâu. Vì vậy, giải pháp sau cùng của mọi giải pháp – Cold Brew đã trở thành một cách tuyệt vời làm cho cà phê kém chất lượng có thể uống được.
Cold Brew – cà phê lạnh từ nguồn gốc cho đến ý nghĩa
Sự mở rộng thị trường của cà phê lạnh
Trong nhiều năm qua, cà phê lạnh đã gia tăng đáng kể thị phần và chinh phục được nhiều người dùng hơn. Thúc đẩy cho sự phổ biến này phải kể đến các thương hiệu nổi tiếng với loại cà phê được đóng vào chai thủy tinh (hay đóng lon) để tiện mang đi du lịch, chúng được quảng cáo là trải qua quy trình lọc kép và được chiết xuất trong 12h.
Vào năm 2015, cà phê lạnh đã chính thức trở thành thức uống chính của Starbucks và chúng bắt đầu được bày bán tại tất cả 13.000 cửa hàng bán lẻ của ông trùm cà phê này.
Sự khác biệt giữa Cold Brew và các loại cà phê pha bằng nước nóng thông thường khác
1. Khác biệt về nhiệt độ nước pha
- Cà phê pha bằng nước nóng cần nhiệt độ nước pha trong khoảng 90 đến 96 độ C (đây là nhiệt độ tối ưu để các chất trong cà phê có thể hòa tan một cách tốt nhất)
- Cold Brew Coffee: Sử dụng nước ở nhiệt độ phòng hoặc nước lạnh.
2. Lượng cà phê sử dụng
- Cà phê pha bằng nước nóng cần một lượng cà phê vừa đủ
- Cold Brew Coffee: Cần sử dụng nhiều cà phê hơn so với cách pha cà phê bằng nước nóng để giúp tăng nồng độ của các chất hòa tan, như vậy sẽ tạo nên hương vị cà phê trong nước cốt cuối cùng.
3. Về thời gian pha:
- Cà phê pha nóng: Nước nóng giúp cho các chất hòa tan có trong bột cà phê dễ dàng tách ra khỏi phần bã nhanh hơn, vì vậy chỉ cần một vài phút là có thể pha được một tách cà phê.
- Cold Brew Coffee: Vì sử dụng nước ở nhiệt độ phòng hoặc nước lạnh nên cách pha Cold Brew cần nhiều thời gian hơn (khoảng 12 đến 24 tiếng tùy thuộc vào lượng cà phê), để có thể chiết xuất được các chất hòa tan, chất dầu tự nhiên có trong thành phần cà phê.
4. Cold Brew có vị gì? Hương vị của chúng khác biệt như thế nào so với cà phê pha nóng?
- Cà phê pha nóng: thường có vị đậm và phong phú hơn, hương thơm cà phê bốc hơi vào không khí vì vậy người uống có thể dễ dàng nhận ra hương cà phê.
- Cold Brew Coffee: có mùi và vị cà phê nhẹ nhàng hơn.
5. Ảnh hưởng do quá trình oxi hóa
- Cà phê pha nóng: Khi pha bằng nước ở nhiệt độ sôi, các hợp chất trong cà phê đều bị suy giảm, quá trình oxi hóa nhanh khiến cho hậu vị cà phê bị chua và đắng hơn.
- Cold Brew Coffee: có quá trình oxi hóa diễn ra chậm hơn nhiều, vì vậy cà phê Cold Brew sẽ có vị chua và đắng rất nhẹ.
6. Thời gian bảo quản
- Cà phê pha nóng: Vị cà phê thường bị “cũ” đi chỉ sau khoảng thời gian 1 ngày.
- Cold Brew Coffee: Vị cà phê vẫn “tươi” như lúc mới pha dù được bảo quản trong tủ lạnh từ 2 đến 4 tuần.
Có nhiều điểm khác biệt giữa cà phê pha nóng và cà phê pha lạnh Cold Brew
Tác dụng của cà phê Cold Brew đối với sức khỏe
Khi sử dụng cà phê lạnh Cold Brew giúp cho người dùng có thể cải thiện tốt hệ tiêu hóa của mình. Tính axit trong Cold Brew Coffee giảm đi làm cho những người gặp vấn đề về axit trào ngược, ợ nóng hay một số vấn đề về dạ dày khác có thể cảm thấy thoải mái hơn khi lựa chọn thưởng thức cà phê. Cold Brew Coffee mang đến sự đơn giản tối đa, không cần nhiều máy móc thiết bị hay những dụng cụ đi kèm khác. Ngoài ra, phương pháp cà phê lạnh này còn giúp cho cà phê giữ được độ tươi lâu hơn chỉ với bình ủ chuyên dụng.
Cold Brew Coffee là lựa chọn an toàn hơn cho những người gặp vấn đề về hệ tiêu hóa mà vẫn muốn thưởng thức cà phê
Hướng dẫn cách pha Cold Brew
Cách pha Cold Brew tại nhà
Nguyên liệu và dụng cụ cần thiết
- Cà phê: 250g (có thể sử dụng cà phê bột nguyên chất xay thô hoặc cà phê hạt)
- Nước: 2 lít
- Bình ủ có nắp đậy kín (hoặc có thể dụng hũ thủy tinh)
- Giấy để lọc cà phê
- Bình đựng cà phê
- Muỗng để khuấy
Cách làm Cold Brew Coffee
Bước 1: Cho 250g hạt cà phê sạch nguyên chất xay ở mức thô, không xay mịn. Cà phê sử dụng để pha Cold Brew nên là cà phê nguyên chất, không tẩm ướp, có thể lựa chọn hạt Robusta hoặc Arabica rang ở chế độ vừa, nếu muốn tốt hơn nữa, bạn có thể mua những dòng cà phê Specialty để có thể cảm nhận được hương vị phong phú hơn. Nếu không có máy xay cà phê hoặc ngại xay cà phê tại nhà, bạn có thể mua bột nguyên chất xay thô thường được bán tại các cửa hàng cà phê.
Bước 2: Cho vào bình ủ Cold Brew 125g cà phê xay đã chuẩn bị, đổ từ từ 1 lít nước vào và khuấy đều cho đến khi cà phê thấm nước.
Bước 3: Đợi 5 phút sau khi cà phê được hãm, tiếp tục cho vào 125g cà phê còn lại vào bình ủ, sau đó chế từ từ 1 lít nước còn lại vào bình.
Bước 4: Đậy kín nắp bình và bỏ vào ngăn mát của tủ lạnh, ủ tiếp trong vòng từ 12 đến 24 tiếng tùy theo tỷ lệ cách làm Cold Brew coffee cũng như độ đậm nhạt theo ý muốn của bạn.
Bước 5: Sau khi đã ủ đủ thời gian, lấy cà phê ra khỏi ngăn mát tủ lạnh. Đặt lên phin sứ lọc giấy lọc cà phê, chế từ từ cà phê trong bình đi qua giấy lọc để loại bỏ bã cà phê. Lưu ý: không được sử dụng tay để nén bã cà phê cho ra hết nước.
Cold Brew có vị gì? Hãy tham khảo cách làm Cold Brew và pha ngay cho mình một tách để có câu trả lời nhé!
Cách pha Cold Brew cam sả lạ miệng
Cold Brew cam sả là sự kết hợp đầy mới lạ, giúp mang lại cảm giác tươi mát hơn trong những ngày hè. Miếng cam vàng chua cùng với hương thơm của sả sẽ giúp cân bằng vị cà phê, thêm vào đó một vài viên đá sẽ làm nên một thức uống tươi mát mà không kém phần quyến rũ. Bạn sẽ cảm thấy thật sảng khoái trong những ngày hè nóng nực.
Bước 1: Rửa sả cho sạch, đập dập đầu và cắt vát các khúc nhỏ, khoảng 1 đốt ngón tay. Cam đem rửa sạch, bổ đôi quả và cắt thành lát, mỗi lát có độ dày khoảng 0,3 đến 0,5cm.
Bước 2: Cho sả và cam vào cốc, dùng chày nhỏ giã mạnh khoảng 10 lần.
Bước 3: Cho 5 đến 6 muỗng cà phê đường vào cốc, thêm vào đó 100ml Cold Brew đã ủ, sau đó khuấy đều hỗn hợp lên.
Bước 4: Cho lượng đá vừa đủ vào cốc cam sả trên, sau đó rót hỗn hợp cà phê Cold Brew vào, trang trí thêm các lát cam và sả theo ý thích. Có thể thêm vào 1 nhánh hương thảo, sẽ tạo nên mùi thơm thiên nhiên cho cốc cà phê này.
Như vậy,chỉ với 4 bước đơn giản như trên, bạn đã biến tấu được tách cà phê Cold Brew trở thành một thức uống Cold Brew cam sả thơm ngon, mát lạnh mà không kém phần bắt mắt để giải nhiệt mùa hè rồi!
Cold Brew cam sả – Biến tấu để giải nhiệt mùa hè!
Lưu ý những lỗi thường gặp
1. Về độ mịn của cà phê bột nguyên chất
Đây là nhân tố và cũng là lưu ý đầu tiên khi trong cách làm Cold Brew. Độ mịn của cà phê dưỡng như là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đối với mọi cách pha. Và với Cold Brew cũng không ngoại lệ. Đối với Cold Brew, cần lưu ý chuẩn bị loại cà phê xay thô, không xay mịn. Tuy nhiên, bột cà phê càng đều thì càng tốt.
Bột cà phê phải thô, vì nếu cà phê bột có độ mịn, thì dễ bị mắc lỗi ở giai đoạn chiết xuất cà phê quá mức cần thiết, và như vậy sẽ dẫn đến việc cà phê bị đắng, làm cho mất đi sự mượt mà (sự mượt mà này lại là cái hay của phương pháp Cold Brew).
Hãy lưu ý về độ mịn của cà phê nguyên chất khi pha bằng phương pháp Cold Brew
2. Sử dụng những loại cà phê bột rẻ tiền, cà phê hạt rang:
Một số người cho rằng, pha cà phê Cold Brew dùng khá nhiều cà phê và cách pha này cũng khiến cà phê dịu và mượt mà hơn, không bị gắt hay khó chịu. Đúng là như vậy, nhưng trồng cây này thì thu hoạch quả đó, nếu bạn dùng cà phê rẻ tiền, cà phê cũ thì bạn sẽ nhận thấy những tách Cold Brew được pha tương ứng như vậy, hương vị sẽ nghèo nàn và nói đúng ra là “chán”.
Chúng ta đều biết rằng, khi rang cà phê vừa và rang nhạt, hạt cà phê rang và cà phê bột nguyên chất sẽ bộc lộ những phẩm chất vốn có của nó. Nhưng nếu pha cà phê bằng các phương pháp truyền thống sử dụng nước nóng, cà phê sẽ dễ có vị chua vì nó có tính axit cao. Tuy nhiên, đối với cách pha Cold Brew, bạn sẽ hạn chế tối đa vị chua và thoải mái tận hưởng tách cà phê Arabica rang vừa hay rang nhạt mà không sợ bị chua nữa.
Pha cà phê Cold Brew sẽ hạn chế được tối đa vị chua so với pha bằng cách thông thường với nước nóng
3. Hãy kiên nhẫn nếu muốn pha Cold Brew ngon
Một lưu ý nữa để có Cold Brew ngon rất cần sự kiên nhẫn của bạn. Như chúng ta đã biết, Cold Brew không phụ thuộc vào nước nóng mà phụ thuộc vào thời gian. Cà phê cần được ngâm trong nước thời gian đủ lâu để các hợp chất có thể được hòa tan, được chiết xuất đầy đủ, như vậy sẽ tạo nên một tách cà phê ngon.
Nếu thời gian để chiết suất thiếu thì tách cà phê của bạn sẽ không thể ngon nữa, vì vậy hãy thật sự kiên nhẫn nhé!
4. Tỷ lệ giữa cà phê và nước
Lưu ý cuối cùng chính là tỷ lệ giữa cà phê bột và nước. Đối với các loại thực phẩm thì không có gì là tuyệt đối, không thể áp dụng những công thức như trong toán học. Có thể đối với người này thì tỷ lệ pha này thì ngon, nhưng đối với người khác thì lại chưa đủ. Tuy nhiên, theo cách pha thông thường thì tỷ lệ giữa nước và phê là 8:1 hoặc 7:1 (đây là cách được nhiều hãng cà phê trên thế giới khuyến nghị).
Tuy nhiên, nếu bạn muốn cà phê đậm hơn thì có thể điều chỉnh giảm tỷ lệ này xuống, thậm chí là 1:1. Hãy nếm thử xem, khẩu vị của bạn ở mức nào nhé!
Hãy nếm thử để lựa chọn cho mình tỷ lệ giữa nước và cà phê sao cho đúng sở thích của mình nhất
Qua bài viết, Minh Tiến Coffee đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin để có thể hiểu rõ hơn về Cold Brew là gì? Với những gợi ý của chúng tôi, hy vọng các bạn có thể pha được cho mình những tách cà phê ưng ý.
Muốn mua các loại cà phê để thỏa mãn sự đam mê pha chế, hay chỉ đơn giản là giúp các bạn có thể thưởng thức được những tách cà phê thơm ngon hãy đến với Minh Tiến Coffee để được tư vấn về các loại cà phê chi tiết hơn nhé! Chúng tôi là đơn vị sản xuất và phân phối cà phê rang xay chất lượng cao. Chúng tôi cam kết mang đến cho khách hàng những sản phẩm cà phê thượng hạng có hương vị tuyệt vời nhất. Hoặc đơn giản đến với chúng tôi để tận hưởng không gian thưởng thức cà phê độc đáo và đặc biệt.
Đến với Minh Tiến Coffee để có thể mua được các loại cà phê đa dạng hay có thể thưởng thức bất kỳ loại cà phê nào…
Bài viết cùng chuyên mục :